Những công trình đẳng cấp thế giới
Chia sẻ nội dung này trên: 
4 nhà thờ đẹp nhất Việt Nam
2011-09-26 03:34:49
Đi suốt chiều dài đất nước, du khách sẽ bắt gặp rất nhiều công trình kiến trúc nhà thờ cổ kính và đẹp nhất Việt Nam. Đặc biệt, trong đêm giáng sinh huyền thoại, những ngôi thánh đường ấy lại rực rỡ với hàng trăm bóng đèn đủ sắc màu, cờ hoa lộng lẫy tô điểm trên các tháp chuông để đón chào một mùa giáng sinh an lành và hạnh phúc..

http://vietpages.com.vn/images/DBDV/917.jpg


NHÀ THỜ ĐỨC BÀ (TP.HCM): còn được gọi là Vương cung thánh đường, có chiều dài 93m, ngang 36,6m, cao 21m, do kỹ sư người Pháp tên là J.Bourard chỉ huy thi công từ năm 1877. Đây là một trong những nhà thờ Thiên chúa giáo lớn nhất và xưa nhất ở Việt Nam, phỏng theo nhà thờ Đức Bà ở Paris. Nhìn từ bên ngoài, toàn bộ nhà thờ từ mái đến tường là một màu đỏ gạch nung. Đặc điểm của loại gạch và ngói là giữ nguyên màu từ ngày xây dựng đến nay và không hề đóng rêu mốc. Gạch xây được chở từ Marseille đến, kính màu do hãng Lorin (Pháp) sản xuất. Nội thất thánh đường vào ban đêm được chiếu sáng bằng điện ngay từ khi khánh thành. Vào ban ngày, với thiết kế phối sáng tuyệt hảo, hài hòa tạo nên nội thất thánh đường một ánh sáng êm dịu, tạo cảm giác an lành và thánh thiện. Năm 1894, người ta xây thêm hai tháp trên hai gác chuông khiến chiều cao của nhà thờ lên đến 57m. Tháp có 6 chuông, nặng 25,85 tấn và trên mỗi quả chuông đều có các họa tiết rất tinh xảo. Cả 6 chuông này đều ngân lên một lần vào đêm giáng sinh. Giữa hai gác chuông còn có chiếc đồng hồ hiệu R.A với 1 bộ máy nặng trên 1.000 kg, gắn trong khung sắt, chiều ngang 2m, cao 1m, đặt nằm trên bệ gạch; mặt kim đồng hồ hướng ra đường Đồng Khởi. Đến nay, chiếc đồng hồ đã trải qua 130 tuổi và chạy rất đúng giờ. Mặt trước thánh đường là một công viên với bốn con đường giao nhau tạo thành hình thánh giá. Trung tâm của công viên là bức tượng Đức Mẹ hòa bình cao 4,6 m, nặng 5,8 tấn, bằng đá cẩm thạch trắng của Ý. Nhà thờ Đức Bà xây dựng trong ba năm và khánh thành vào dịp lễ Phục sinh ngày 11/4/1880. Đây là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc thu hút khách tham quan tại thành phố nhiều nhất.

http://saigontoserco.com/files/news/nh_th7900_272_pht_di7878m.jpg


NHÀ THỜ ĐÁ PHÁT DIỆM (NINH BÌNH): thuộc thị trấn Phát Diệm huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội 130 km. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1875 đến năm 1899 với kiến trúc công giáo độc đáo bậc nhất Việt Nam bao gồm các công trình: ao hồ, tòa Phương Đình, nhà thờ lớn, 4 nhà thờ cạnh, nhà thờ đá, 3 hang đá nhân tạo… Bước qua cây cầu ngói cổ, du khách sẽ thấy bóng dáng của pho tượng Chúa Giesu màu trắng trên hòn đảo nhỏ trong một hồ nước rộng 1ha. Phía sau là tòa Phương Đình có ba tầng xây bằng đá phiến. Bên ngoài và bên trong Phương Đình là các bức phù điêu bằng đá khắc hình Chúa Giesu, các vị thánh, những mô típ nghệ thuật dân gian. Đặc biệt, mái của Phương Đình không cao vút như những ngôi thánh đường khác mà cong thấp, cổ kính như mái đình chùa Việt Nam. Tiếp theo là nhà thờ lớn có bốn mái với 6 hàng cột gỗ lim khổng lồ. Cung thánh đường là một khối đá dài 3m, rộng 0,9m, cao 0,8m, nặng 20 tấn. Mặt tiền nhà thờ là hình ảnh cách điệu của hoa sen, đào, cúc, cuốn thư, nậm rượu rất tinh xảo. Đặc biệt, bức phù điêu tuyệt đẹp ở trung tâm với 17 thiên thần trong vườn hoa mân côi lại có nét của các nhân vật trong tranh dân gian Việt Nam. Hai bên gian cung thánh của nhà nguyện Thánh Giuse có 14 bức phù điêu miêu tả những điển tích trong Thánh Kinh được xem là kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc đá Việt Nam. Nhà thờ đá còn được gọi là nhà thờ Trái tim Đức Mẹ. Bên trong là các bức chạm tứ quý tượng trưng cho thời tiết và vẻ đẹp của bốn mùa trong năm. Đặc biệt, hai bức phù điêu chim phượng hoàng và sư tử đã tạo nên nét sinh động và quyến rũ của ngôi thánh đường. Ở phía Bắc khu nhà thờ có 3 hang đá nhân tạo được làm bằng những khối đá lớn nhỏ khác nhau, trong đó hang Lộ Đức là đẹp nhất. Trải qua hơn 110 năm, quần thể nhà thờ Phát Diệm vẫn tồn tại vững vàng trong sự ngưỡng mộ của du khách bởi sự kế thừa đầy tính Á Đông.

http://nhovehanoi.com/Modules/CMS/Upload/71/Nam_2010/ntho.jpg


NHÀ THỜ LỚN (HÀ NỘI): hay còn gọi là Nhà thờ Chánh TòaHà Nội, nằm trên một khu đất rộng, liền kề với Tòa Tổng giám mục Hà Nội, Đại chủng viện Hà Nội, Dòng mến Thánh giá Hà Nội. Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothique trung cổ châu Âu với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bổi. Phía trong sảnh nhà thờ có một cửa đi lớn, và hai cửa nhỏ hai bên tháp được thiết kế theo phong cách cổ điển. Kết hợp với các cửa cuốn nhọn là những bức tranh Thánh bằng kính màu rất đẹp và hài hòa tạo ra nguồn ánh sáng tự nhiên bên trong lòng nhà thờ. Khu cung thánh được trang trí theo nghệ thuật dân gian truyền thống, chạm trổ hoa văn bằng gỗ sơn son thiếp vàng rất tinh vi độc đáo. Ở tòa gian chính có tượng thánh Giesu bằng đất nung cao hơn 2m. Bên cạnh đó, nhà thờ còn có một bộ chuông tây, gồm bốn quả chuông nhỏ và một quả chuông lớn, trị giá 20.000 franc Pháp thời đó. Đặc biệt là chiếc đồng hồ lớn gắn giữa mặt tiền nhà thờ có báo khắc, báo giờ, được liên kết với 5 quả chuông treo trên hai tháp. Trung tâm quảng trường phía trước nhà thờ có đài Đức Mẹ bằng kim loại, xung quanh nhà thờ có đường kiệu, bồn hoa, phía sau có hang đá, tạo thành một quần thể kiến trúc rất hài hòa.


NHÀ THỜ CON GÀ (ĐÀ LẠT): sở dĩ có tên gọi như vậy là vì trên đỉnh tháp chuông cótượng một con gà bằng đồng dài 0,66m, cao 0,58m quay quanh một trục bạc đạn để chỉ hướng gió. Con gà có thể là biểu tượng của nước Pháp nhưng cũng là biểu tượng gắn liền với chuyện Thánh Phê-rô ghi trong Phúc âm có ý nhắc nhở, thức tỉnh và ăn năn.Nhà thờ được xây dựng từ năm 1931 đến năm 1942 mới hoàn thành, là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của Đà Lạt, có chiều dài 65m, rộng14m, tháp chuông cao 47m. Từ tháp chuông của nhà thờ du khách có thể nhìn thấy mọi nơi của thành phố. Cửa chính của nhà thờ hướng về núi Langbiang. Phần áp mái trang trí bằng 70 tấm kính màu chế tạo từ Pháp, làm cho khung cảnh thánh đường thêm phần huyền ảo, mang đậm nét kiến trúc của nhà thờ châu Âu thời Trung cổ.

Nguồn: internet

 
Quay lại