Tình hình BĐS Đảo Ngọc Phú Quốc
Chia sẻ nội dung này trên: 
Các dự án Phú quốc kêu gọi đầu tư
2013-07-16 09:15:00
Dự án Bãi Dài , Bãi trường , Trường học , Bệnh Viện Quốc tế tại Phú Quốc.

1. Khu du lịch Bãi Dài: thuộc xã Gành Dầu, nằm ở phía Tây Bắc của Phú Quốc, cách thị trấn Dương Đông khoảng 24 km, có diện tích 480 ha (chiều dài bờ biển 6 km, chiều rộng 800 m).
Nơi đây sẽ được xây dựng thành khu du lịch sinh thái chất lượng cao, có sân golf cấp quốc tế và các dịch vụ phục vụ du lịch. Phía Bắc và phía Nam của bãi bố trí các khu du lịch sinh thái chất lượng cao, bố trí khu du lịch cộng đồng kết hợp với quảng trường tại vị trí trung tâm, bố trí sân golf nằm sát phía Nam bãi.

2. Khu du lịch Bãi Vũng Bầu: thuộc xã Cửa Cạn, nằm trên bờ biển phía Tây, cách Thị trấn Dương Đông khoảng 15 km về phía Bắc, quy mô khoảng 200 ha(chiều dài bờ biển 4 km, chiều rộng 500 - 600 m). Mục tiêu phát triển khu du lịch này là xây dựng các khu du lịch sinh thái chất lượng cao.

3. Khu du lịch Bãi Cửa Cạn: thuộc xã Cửa Cạn, nằm trên bờ biển phía Tây, từ rạch Cửa Cạn đến Gành Gió, cách thị trấn Dương Đông khoảng 10 km; diện tích quy hoạch phát triển du lịch khoảng 250 ha (chiều dài bờ biển 3 km), gồm khu du lịch sinh thái chất lượng cao, sân golf và các dịch vụ phục vụ du lịch biển.

4. Khu du lịch Bãi Trường: thuộc xã Dương Tơ, nằm ở phía Tây Nam của đảo Phú Quốc, từ phía Nam cầu Cửa Lấp đến Khoé Tàu Rũ. Khu du lịch Bãi Trường có diện tích khoảng 1.100 ha (chiều dài bờ biển 11 - 12 km, chiều rộng 600 - 1.400 m), được quy hoạch xây dựng thành trung tâm dịch vụ, thương mại du lịch chính của đảo Phú Quốc. Dự kiến, tại khu này bố trí các trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại, bưu chính, giải trí và khách sạn; nối kết hai khu đô thị mới Đường Bào và Suối Lớn. Tại khu vực trung tâm, không khống chế tầng cao xây dựng, và bố trí các công trình tạo điểm nhấn cho đô thị, mật độ xây dựng tối đa 50%.

5. Khu du lịch Bãi Đất Đỏ: thuộc thị trấn An Thới, ở phía Tây Nam của đảo Phú Quốc, nằm giữa 2 ngọn núi Đất Đỏ và mũi Ông Bổn, diện tích quy hoạch khoảng 120 ha (chiều dài bờ biển 1,2 km, chiều rộng 1 km). Nơi đây sẽ bố trí thành khu du lịch hốn hợp có cảng du lịch cho tàu có tải trọng 2.000 khách cập bến.
6. Khu du lịch Bãi Sao: thuộc địa bàn thị trấn An Thới, trên bờ biển Đông Nam của đảo, nằm giữa núi Bãi Sao và núi Bãi Khem, diện tích quy hoạch phát triển du lịch khoảng 150 ha (chiều dài bờ biển khoảng 2 km, chiều rộng 600 - 800 m). Đây là khu du lịch, dịch vụ sinh thái chất lượng cao với các khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao, kết hợp một số điểm du lịch và dịch vụ cộng đồng, có sân golf nằm liền kề phía Bắc của khu du lịch này.

7. Khu du lịch Bãi Vòng: nằm ở phía Nam xã Hàm Ninh, trên bờ biển phía Đông, có quy mô diện tích 750 ha (chiều dài bờ biển khoảng 3,5 km); trong đó, có 350 ha đầu tư du lịch và 400 ha đầu tư sân golf và các dịch vụ phục vụ sân golf. Phát triển khu du lịch này thành khu du lịch hỗn hợp kết hợp cảng du lịch, khu du lịch dạng biệt thự vườn có mật độ xây dựng thấp 10- 12%, tại khu vực nằm trong tĩnh không của sân bay quốc tế Phú Quốc, tầng cao xây dựng trung bình 1 - 2 tầng.

8. Khu du lịch Bãi Thơm: có vị trí tại trung tâm xã Bãi Thơm, nằm trên bờ biển phía Đông - Bắc Phú Quốc, dưới chân núi ông Diện từ trung tâm xã Bãi Thơm tới mũi Sác Cóc - Hòn Một. Khu du lịch Bãi Thơm được quy hoạch với diện tích khoảng 40 - 50 ha (chiều dài bờ biển khoảng 2 km, chiều rộng 200 m) để xây dựng các khu du lịch sinh thái và hoạt động dịch vụ du lịch khác.

9. Khu du lịch Bãi Rạch Tràm: thuộc xã Bãi Thơm, ở phía Bắc đảo Phú Quốc, nằm giữa núi Hàm Rồng và núi Chảo, có diện tích khoảng 200 ha (chiều dài bờ biển khoảng 2,5 km, chiều rộng 800 m). Phát triển khu du lịch Bãi Rạch Tràm thành khu du lịch sinh thái chất lượng cao và khu dân cư làng chài ấp Rạch Tràm.

10. Khu du lịch Bãi Rạch Vẹm: thuộc xã Gành Dầu, nằm trên bờ biển phía Bắc của đảo Phú Quốc. Đây là khu du lịch sinh thái chất lượng cao và khu dân cư làng chài ấp Rạch Vẹm, quy mô khoảng 150 ha (chiều dài bờ biển khoảng 4 km, chiều rộng 300 - 500 m).

11. Các sân golf: Đảo Phú Quốc bố trí 4 sân golf với tổng diện tích 920 ha. Đã có 3 nhà đầu tư đăng ký đầu tư sân golf Bãi Cửa Cạn, sân golf Bãi Vòng và sân golf Bãi Sao, còn lại 1 sân golf mà tỉnh Kiên Giang đang kêu gọi đầu tư là sân golf Bãi Dài (thuộc xã Bãi dài, xã Gành Dầu) có quy mô diện tích 150 ha, nằm trên bờ biển phía Tây - Bắc của đảo Phú Quốc, tiếp giáp khu vực đầu tư khu du lịch Bãi Dài.

CÁC KHU DU LỊCH Ở HÀ TIÊN - KIÊN LƯƠNG

1. Khu du lịch Đầm Đông Hồ: thuộc phường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên, là một trong 10 cảnh đẹp của Hà Tiên, có diện tích trên 30 ha. Tỉnh đã cho phép lập quy hoạch khu du lịch - văn hoá Cồn Nổi thuộc đầm Đông Hồ với diện tích là 13 ha. Tại đây, xây dựng khu vui chơi giải trí, khu sinh hoạt văn hoá cộng đồng, lễ hội truyền thống, khu dịch vụ, nhà hàng, khu trưng bày, hội thảo, khu công viên cây xanh với nhiều loại chim, thú, cảnh. Vốn đầu tư cho khu du lịch này là 4 - 5 triệu USD. Tiến độ thực hiện từ năm 2007 đến năm 2008.

2. Khu du lịch sinh thái Núi Đèn: Núi Đèn là một thắng cảnh thiên nhiên đẹp nổi tiếng của thị xã Hà Tiên, phía Tây giáp biển, có vị trí và địa hình gắn bó mật thiết với khu du lịch Mũi Nai, làng chài Tà Bang, cảng biển Bãi Nò, cận kề với đầm Đông Hồ.
Tỉnh Kiên Giang đã quy hoạch khu du lịch sinh thái Núi Đèn với diện tích 12,4 ha, bao gồm các khu vực nhà nghỉ, nhà hàng, khu dịch vụ, khu vui chơi giải trí, thể thao nước và các công trình du lịch khác.
Vốn đầu tư khu du lịch này là 5 - 6 triệu USD. Tiến độ thực hiện từ năm 2007 đến năm 2008.

3. Khu du lịch Chùa Hang - Hòn Phụ Tử: Chùa Hang và Hòn Phụ Tử gắn với bãi biển Bãi Dương - Hòn Trẹm, là thắng cảnh nổi tiếng của huyện Kiên Lương. Hòn Phụ Tử là cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ nổi trên biển, là biểu tượng của ngành du lịch Kiên Giang.
Khu du lịch Chùa Hang - Hòn Phụ Tử có diện tích quy hoạch 31,34 ha, bao gồm các khu vực nhà nghỉ, khu thương mại - khu dịch vụ, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, thể thao nước và các công trình du lịch khác.
Vốn đầu tư khu du lịch này là 10 triệu USD. Tiến độ thực hiện từ năm 2007 đến năm 2008.

Ngoài các khu du lịch được mời gọi đầu tư nói trên, Kiên Giang còn có những khu vực có khả năng phát triển du lịch, như: Quần đảo Bà Lụa, quần đảo Nam Du, quần đảo Hải Tặc, Hòn Nghệ, Hòn Tre, U Minh Thượng và Hòn Đất...

1. Khu IV, khu V của Dự án Lấn biển mở rộng TP. Rạch Giá: Dự án Lấn biển mở rộng TP. Rạch Giá có tổng diện tích 435 ha, chia làm 5 khu, trong đó, các khu vực I, II, III với diện tích 234 ha đã và đang hoàn thiện các công trình kỹ thuật hạ tầng, đồng thời đã hoàn thành nhiều khu dân cư, công sở, trường học…
Kiên Giang kêu gọi đầu tư vào Khu IV và Khu V với diện tích 201 ha, đã san lắp mặt bằng. Tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật là 32 - 35 triệu USD. Tiến độ thực hiện từ năm 2007 đến năm 2010.

2. Khu đô thị lấn biển Rạch Sỏi: thuộc phường An Hoà, TP. Rạch Giá, có diện tích 151 ha.
Quy hoạch chi tiết khu đô thị này đã được phê duyệt với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, như: đường giao thông đối nội, đối ngoại, hệ thống cấp thoát nước, điện, công viên cây xanh và quy hoạch bố trí các công trình tiện ích xã hội (trường học, trạm y tế, khu thương mại dịch vụ và bố trí đất ở cho khoảng 10.000 dân…). Vốn đầu tư san lắp mặt bằng lấn biển và hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị này là 28 - 30 triệu USD. Tiến độ thực hiện từ năm 2007 đến năm 2012.

3. Khu đô thị lấn biển Vĩnh Quang: thuộc phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá, diện tích 210 ha, chia làm 2 khu:
- Khu 1 (từ cảng du lịch Rạch Giá đến Rạch Vàm Trư): dài 2 km, diện tích 100 ha.
- Khu 2 (từ Rạch Vàm Trư đến cầu Số 2): dài 2,2 km, diện tích 110 ha.
Quy hoạch chi tiết của khu 2 đã được phê duyệt với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, như: đường giao thông đối ngoại, đối nội, hệ thống cấp thoát nước, điện, công viên cây xanh và quy hoạch bố trí các công trình tiện ích xã hội (trường học, trạm y tế, khu thương mại dịch vụ và bố trí đất ở cho khoảng 12.000 dân…). Vốn đầu tư san lắp mặt bằng lấn biển và hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của Khu 2 là 22 - 25 triệu USD. Tiến độ thực hiện từ năm 2007 đến năm 2011.
Khu 1 đang lập quy hoạch chi tiết, vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của Khu 1 tương đương Khu 2.

4. Khu đô thị mới Suối Lớn: là khu đô thị dịch vụ du lịch thuộc xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, có diện tích 252 ha. Quy hoạch chi tiết của Khu đô thị Suối Lớn đã được phê duyệt với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, công viên cây xanh và quy hoạch bố trí các công trình tiện ích xã hội như: trường học, trạm y tế, khu thương mại dịch vụ và bố trí đất ở cho khoảng 10.000 dân… Vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị này là 40 triệu USD. Tiến độ thực hiện từ năm 2007 đến năm 2011.

5. Khu đô thị mới Gành Gió: thuộc thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, có diện tích 67,5 ha.
Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Gành Gió đã được phê duyệt với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ như: đường giao thông đối nội, đối ngoại, cấp thoát nước, điện, công viên cây xanh; bố trí các công trình tiện ích xã hội và đất ở cho khoảng 3000 dân… Vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật là 25 triệu USD. Tiến độ thực hiện từ năm 2007 đến năm 2011.

Tỉnh Kiên Giang rất cần các nhà quy hoạch, các nhà đầu tư quốc tế có trình độ cao giúp tỉnh tiến hành quy hoạch và đầu tư, để nâng các đô thị Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc thành các khu đô thị hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế.

CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG TRÊN ĐẢO PHÚ QUỐC

1. Cảng biển Vĩnh Đầm: nằm ở phía Đông Nam đảo Phú Quốc, thuộc xã Dương Tơ. Nơi đây dự kiến xây dựng bến phao neo đậu tàu có công suất 2.000 hành khách, cảng neo đậu tàu khách nội địa 200 khách/tàu, cảng hàng hoá ở phía Nam để đậu tàu 1.000 - 3.000 DWT và khu trú bão cho tàu cá ở phía trong vịnh. Hình thức kêu gọi đầu tư: xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

2. Cảng Mũi Đất Đỏ: thuộc thị trấn An Thới. Dự kiến, xây dựng cảng hành khách để neo đậu tàu có công suất 2.000 hành khách, các bến để đậu tàu du lịch, thuyền buồm tại các vị trí có tổ chức du lịch, tham quan và khu dân cư. Hình thức kêu gọi đầu tư: BOT

3. Đường điện cáp ngầm từ đất liền ra đảo Phú Quốc:
- Tổng nhu cầu điện: đến năm 2010 là 50 MW; đến năm 2020 là 150 MW.
- Nguồn điện: đến năm 2010 đầu tư các nhà máy điện diesel; đến năm 2009 - 2010, kéo xong đường điện quốc gia từ đất liền ra đảo bằng cáp ngầm (từ Kiên Lương đến Hàm Ninh, Phú Quốc); phát triển nguồn điện mặt trời, điện gió.
- Hình thức kêu gọi đầu tư: BOT, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

4. Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn: Xây dựng hai nhà máy có tổng công suất 200 tấn/ngày( mỗi nhà máy là 100 tấn/ngày), với công nghệ thiết bị hiện đại. Địa điểm xây dựng tại xã Cửa Cạn và xã Hàm Ninh. Diện tích 25 ha/nhà máy. Hình thức kêu gọi đầu tư: BOT, BTO hoặc BT.

5. Dự án xây dựng bệnh viện: vị trí xây dựng tại ấp Suối Đá, xã Dương Tơ, nằm ở trung tâm đảo Phú Quốc. Diện tích 13 ha. Quy mô bệnh viện 500 - 700 giường. Kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư.
Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu để đầu tư đường ống dẫn nước ngọt từ đất liền ra đảo, xử lý nước thải và đầu tư các phương tiện vận chuyển hàng hoá, hành khách từ các nước trong khu vực đến đảo Phú Quốc và ngược lại từ đảo Phú Quốc đến các nước trong khu vực.
Quay lại