2013-07-16 09:15:00
Phát triển Chỉ dẫn địa lý cho phép tạo ra lợi thế nhờ những đặc trưng và sự nổi tiếng của sản phẩm, từ đó làm tăng giá trị sản xuất, thương mại của các cơ sở, doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Phát triển Chỉ dẫn địa lý cho phép tạo ra lợi thế nhờ những đặc trưng và sự nổi tiếng của sản phẩm, từ đó làm tăng giá trị sản xuất, thương mại của các cơ sở, doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm là một trong những sản phẩm đang được nhà nước hỗ trợ xây dựng và phát triển theo hướng này. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu, hành lang pháp lý tạo điều kiện cho nhà sản xuất nước mắm Phú Quốc bảo vệ được thương hiệu cho loại đặc sản nổi tiếng này.
Sản xuất nước mắm là nghề thủ công truyền thống lâu đời của cư dân huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Nước mắm Phú Quốc từ lâu đã nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon rất đặc trưng do sản xuất hoàn toàn bằng nguyên liệu cá cơm cộng với bí quyết gia truyền của các nhà thùng trên đảo. Với những đặc trưng đó sản phẩm nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của ngành thủy sản Việt Nam được triển khai đăng ký tên gọi xuất xứ. Đây không chỉ là niềm vinh dự và tự hào của những người sản xuất nước mắm Phú Quốc mà còn cả của người Việt Nam.
Tuy nhiên kể từ ngày sản phẩm nước mắm được Cục Sở hữu Công nghiệp đăng bạ (ngày 1/6/2001), mọi hoạt động hỗ trợ đã không được tiếp tục trên thực địa, do vậy kết quả đạt được bị hạn chế. Vì vậy vẫn xảy ra tình trạng thị trường tiêu thụ nước mắm Phú Quốc tiếp tục bị thả nổi với vô số hàng giả, hàng nhái và chất lượng nước mắm không được kiểm soát chặt chẽ. Khó khăn của các cơ sở sản xuất nước mắm trên đảo Phú Quốc chưa dừng lại đó vì nguồn nguyên liệu cá cơm đang cạn kiệt cộng với giá điện, nước, giá nhân công cũng tăng cao, trong khi giá nước mắm không đổi khiến cho nhiều nhà thùng đau đầu tìm giải pháp cho mình.
Trước tình hình này, để tạo cơ sở pháp lý cho việc khẳng định thương hiệu nước mắm Phú Quốc, tháng 10 năm 2008, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định 2482 trong việc quy định việc quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm; quyết định số 201 của UBND huyện Phú Quốc thành lập Ban kiểm soát nước mắm Phú Quốc và Quyết định số 2855 của UBND huyện Phú Quốc ngày 16/8/2010 về việc ban hành quy chế tạm thời về hoạt động kiểm soát chỉ dẫn địa lý phú Quốc cho sản phẩm nước mắm. Cho đến thời điểm hiện tại đã có 65 cơ sở/doanh nghiệp sản xuất nước mắm trên đảo Phú Quốc được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý.
Chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc cũng quy định cụ thể, chi tiết về vùng khai thác, loại nguyên liệu, tỉ lệ cá tạp (ngoài cá cơm) không quá 15%, dụng cụ chế biến và vật liệu sản xuất dụng cụ, phương pháp chế biến, các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, ghi nhãn và kỹ thuật bảo quản… Tuy nhiên việc triển khai và vận hành trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn, các điều khoản quy định khó thực hiện trong quá trình kiểm soát cũng như thực hiện trên thực tế của các hộ. Ban kiểm soát nước mắm còn gặp nhiều lúng túng trong quá trình vận hành. Vì vậy trên thực tế vịêc triển khai áp dụng các quy định về chỉ dẫn địa lý đối với nước mắm Phú Quốc vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Nhận thức được tầm quan trọng của Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông nghiệp nói chung sản phẩm nước mắm nói riêng, nhóm cán bộ của Trung tâm Phát triển Nông thôn – Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn đã tiến hành các hoạt động hỗ trợ, tư vấn trong việc quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm như xây dựng thí điểm các mô hình quản lý Chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ vận hành các quy chế kiểm soát vào thực tế, phổ biến, đào tạo, tập huấn các kiến thức về chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm chỉ dẫn địa lý…
Sau khi quyết định của tỉnh và huyện ban hành, Hội nước mắm Phú Quốc cũng đã ban hành quy chế kiểm soát nội bộ và Ban kiểm soát nội bộ của hội, Ban này có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quá trình thực hiện các quy định của nhà nước về Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm.
Như vậy tính đến thời điểm hiện tại trong tổng số 93 cơ sở sản xuất nước mắm là thành viên của Hội, hiện tại mới chỉ có 15 doanh nghiệp đã cam kết thực hiện các họat động chỉ dẫn địa lý như tiến hành các hoạt động đóng mã số thùng và ghi chép hồ sơ tự kiểm soát cho từng thùng ngâm ủ, 8 doanh nghiệp đã tiến hành đăng ký sử dụng nhãn chung mang chỉ dẫn địa lý và chuẩn bị đưa dòng sản phẩm được bảo hộ đầu tiên ra thị trường.
Trong thời gian tới ngoài việc tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng nhãn mác chung, tem chỉ dẫn địa lý, cũng như việc vận hành các quy chế kiểm soát trong thực tế. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, UBND huyện Phú Quốc tiến hành tổ chức buổi họp báo và giới thiệu sản phẩm nước mắm mang Chỉ dẫn địa lý tới người tiêu dùng.
Sau thời điểm công bố sản phẩm nước mắm mang chỉ dẫn địa lý vào đầu năm 2011 tới tất cả các đơn vị, cơ sở sản xuất nước mắm sử dụng tên Phú Quốc, nếu doanh nghiệp nào không được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm sẽ bị xử lý theo quy định của nhà nước.
Với cách làm bài bản đúng lộ trình cộng với sự tư vấn của cơ quan đầu ngành về Chỉ dẫn địa lý, hy vọng rằng trong thời gian tới sản phẩm nước mắm Phú Quốc sẽ được mang đúng với tên gọi của nó và bài toán Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản tại Việt nam đã có lời giải như mong đợi.
(S.T)