Tình hình BĐS Đảo Ngọc Phú Quốc
Chia sẻ nội dung này trên: 
Chở luật ra “đảo Ngọc”
2011-09-20 04:29:31
Phú Quốc giờ sôi động lắm, nên anh em mình ra chuyến này chắc chủ yếu gặp yêu cầu xem xét về bồi thường giải tỏa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), tranh chấp đất, đi đâu cũng nói về đất đất... cho mà xem”, một anh trong đoàn trợ giúp pháp lý (TGPL) lưu động tỉnh Kiên Giang nói..

Một góc đảo Phú Quốc
Một góc đảo Phú Quốc

Phức tạp từ đất

Chỉ mất hơn 30 phút, lướt trên làn sóng xanh biếc, con tàu đưa chúng tôi từ thị trấn An Thới đến xã đảo Hòn Thơm của huyện đảo Phú Quốc. Chưa kịp giới thiệu đã nghe một giọng nói tác phong con nhà lính: “Các anh thông cảm, xã chỉ có điện từ 6h chiều đến 11h đêm mà dân cũng không chịu nổi mức giá 7.000 đ/kwh; mong sao có nhà đầu tư nào lắp điện chạy bằng sức gió hay năng lượng mặt trời thì dân đỡ khổ biết mấy”. Đó là anh là Huỳnh Văn Ba - Chủ tịch UBND xã. 

Sau vài phút trao đổi với chính quyền, người đầu tiên chúng tôi tiếp là chị Nguyễn Thị Th. một trong số người dân tham dự hôm ấy. Chị bày tỏ: Gia đình có 4 chị em, tôi là thứ ba hiện đang nuôi chị hai bị bệnh tâm thần, còn 2 đứa em cùng cha khác mẹ ở riêng. Khi cha qua đời được chẳng bao lâu, 3 người cô kiện 4 chị em tôi ra tòa đòi chia đất.

Cũng may, Tòa bác yêu cầu của 3 cô nên tôi giữ lại được mảnh đất của cha mình, nhưng khi làm giấy CNQSDĐ thì địa chính xã không chấp nhận mà yêu cầu phải cấp cả cho 2 người em của tôi nên sổ đỏ vẫn đứng tên cha. Các anh xem, 2 đứa em đã ủy quyền cho tôi tham gia tố tụng và thừa kế khối tài sản này có hợp lý không?”. Sau khi xem xét yêu cầu của chị Th, chúng tôi đã làm việc với Chủ tịch UBND xã và xã đã đồng ý làm thủ tục chuyển CNQSDĐ cho Th như bản án tuyên.

Rời Hòn Thơm, vượt qua đoạn đường cao tốc đang xây dựng còn ngổn ngang đất đá, gập gềnh, chúng tôi đi vào địa phận rừng quốc gia xanh ngút ngàn được bảo tồn nghiêm ngặt. Không khí ở đây mát mẻ, đường lên lên xuống xuống, lâu lâu mới gặp một chiếc xe chạy ngược chiều... Đang mơ màng so sánh xem có điểm nào giống với cảnh ở Đà Lạt không  thì bác tài báo: Đến Gành Dầu rồi các anh ơi.

 Để người dân không phải đợi lâu, chúng tôi bắt tay ngay vào công việc. Người thì căng băng rôn, người kê bàn ghế sắp xếp chỗ ngồi. Chị Nguyễn Thị Mỹ Ch. phấn khởi nói:Nghe Đoàn TGPL của tỉnh Kiên Giang hôm qua làm ở xã Cửa Cạn, hôm nay đến xã mình nên tranh thủ. Các anh anh xem: Năm 1995 em ra Đồng Lớn - Gành Dầu khai phá hơn 2 ha đất để trồng cây ăn trái. Năm 2008,  Kiểm lâm cho rằng đất này là đất rừng quốc gia nên ra quyết định cưỡng chế, em chấp hành. Cưỡng chế rồi không thấy các ông ấy làm gì nên em lại vào canh tác, kiểm lâm lại cưỡng chế...”. Chị Ngô Thị Thanh T. ở ấp Rạch Vẹm thì bức xúc chen vào: “Đất của tôi khai phá, tự nhiên ông Đ. vào lấn chiếm. Tôi đã gửi đơn đến UBND huyện Phú Quốc, không hiểu tại sao lại trả đơn về và bảo xã phải hòa giải đã”.

Bằng kinh nghiệm và kiến thức của mình, chúng tôi đã phân tích, thuyết phục được chị Ch. chấp hành quyết định của cưỡng chế ra khỏi đất rừng quốc gia. Chị T. ngồi nghe cũng gật gật tán đồng – còn chị, trước hết cần có đơn yêu cầu kiểm lâm xem xét trả lời bằng văn bản. Nếu đất đang tranh chấp thuộc về rừng quốc gia thì phải trả lại đất và làm đơn tố cáo ông Đ. lấn chiếm rừng; nếu xác định là đất nông nghiệp thì trình tự thủ tục phải thông qua hòa giải ở cơ sở trước khi khiếu nại lên cấp huyện.

Tham dự buổi TGPL lưu động hôm ấy, chị nào cũng phấn khởi hứa sẽ thực hiện đúng những lời chúng tôi đã tư vấn.

Gỡ rối bằng pháp luật

Cũng giống như các xã, thị trấn khác, nhu cầu chủ yếu của người dân ở Cửa Dương là về đất đai, bồi thường, giải tỏa. Không phải chờ lâu, khi chúng tôi chuẩn bị xong công việc đã có gần 20 chục người dân đến.

Anh Trần Văn H có nhà bị giải tỏa chỉ còn 31 m2, rất lo lắng khi chưa được bố trí tái định cư nhưng Ban quản lý cứ hối thúc phải di dời. Hoàn cảnh của chị Đặng Thị H lại rất éo le. Gương mặt rầu rĩ, giọng nói đượm buồn, H kể: Quê em ở tận Chợ Mới (An Giang) ra đây lập nghiệp, gặp anh ấy được hơn chục năm nay. Tháng qua ổng đánh chết người, phải đi tù. Một nách 3 con nhỏ, đứa lớn 10 tuổi học lớp 1, nhỏ nhất 5 tuổi, cả 4 mẹ con đều không có giấy tờ tùy thân - khổ lắm các anh ơi…

Sự việc của các anh, chị đã được chúng tôi phân tích, tư vấn cụ thể, ai cũng hiểu ra và phấn khởi.

Chuyến đi về 5 xã, thị trấn của huyện Phú Quốc kết thúc tốt đẹp với hàng trăm vụ việc (chủ yếu về đất đai) giúp dân gỡ rối pháp luật. Tiễn chúng tôi trong cái bắt tay thân mật, anh Nam - Chủ tịch UBND xã Gành Dầu nói: “Xã cũng trả lời nhưng bà con không nghe. Tốt quá được các anh giúp còn gì bằng. Đất đai giờ có giá nên phức tạp lắm”.

Bùi Đức Độ

Quay lại