2013-07-16 09:15:00
Những con tàu đắm dưới đáy biển cách nay nhiều thế kỷ đã bao lần mê hoặc bước chân những người chuyên săn tìm cổ vật. Vào một ngày cuối năm, chúng tôi được những người trong cuộc cho tham gia chuyến hải trình dưới đáy biển để tiếp cận những con tàu từng là điều kỳ bí bậc nhất của vùng biển Tây Nam này....
Bên quán cà phê cóc ven con đường đông khách nhất trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Nguyễn Văn Tiến, chàng giám đốc trẻ của Công ty lặn X-Dive, nói rằng với Phú Quốc, điều anh quan tâm nhất không chỉ là những cánh rừng, bãi biển mà còn là những câu chuyện dài dưới đáy sâu. Ở đó, một hệ san hô đang bị “hoang hóa”, những đàn cá mập tí hon đang cần được bảo vệ và có cả xác những con tàu cổ đang chìm sâu vào quên lãng...
Những cổ vật từ đáy biển
Câu chuyện về những xác tàu cổ dưới đáy biển của Tiến đã thôi thúc tôi tìm đến những địa chỉ đang lưu giữ nhiều cổ vật trên đảo. Hóa ra, ở đây từ bảo tàng tư nhân (nơi người chủ có hẳn một không gian để trưng bày hàng ngàn cổ vật phủ lớp hàu biển, đến các cửa hiệu ngọc trai), từ sảnh các khách sạn sang trọng đến nhà ở của những thợ lặn mưu sinh dưới đáy biển, từ quán ăn đến tiệm vàng... đều ít nhiều có sự hiện diện của những cổ vật trăm năm. Nổi trội bên cạnh các hiện vật gốm sứ là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng và cả vũ khí có nguồn gốc từ nhiều nước lân cận. Điều đó cho thấy một thời gian vùng biển kín phía Tây Nam từng nằm trong con đường hàng hải quan trọng...
Lịch sử vẫn nằm dưới đáy sâu, im lặng và bí ẩn, cho đến khi hàng loạt những con tàu đắm được phát hiện. Những người đầu tiên đánh thức các con tàu sau mấy trăm năm ngủ vùi là các ngư dân làm nghề lưới cào, rồi đến các tay thợ lặn biển lão luyện. Từ vùng biển Cà Mau, con tàu ở vị trí được xác định dưới bí danh là “tọa độ X”, rồi vùng biển gần quần đảo Thổ Chu, kéo dài đến Hòn Tre, Hòn Thơm, Hòn Dâm, Hòn Dừa quanh quần đảo Phú Quốc. Biển Tây một thời dậy sóng không phải vì những đoàn tàu tấp nập kéo về ngư trường mà vì xác những con tàu dưới đáy sâu.
Các cổ vật trăm năm lấy lên từ con tàu đắm ở vùng biển Phú Quốc được trưng bày tại Bảo tàng Cội Nguồn (Phú Quốc)
Hai Năng là một trong những thợ lặn từng tìm đến những con tàu này, khi chúng còn mang trên mình số tài sản “nhiều không thể tả”. Xuống đáy biển kiếm sống hằng ngày nên Hai Năng nói thuộc đáy biển hơn cả đất liền. Những ngày “khó tin” ấy, đi khắp nơi ở thị trấn An Thới, người ta chỉ nói đến cổ vật. Những con tàu cổ từng nuôi dưỡng ước vọng đổi đời của không ít dân phía nam đảo Phú Quốc. Tuy nhiên, cũng chỉ có mấy người phất lên. Còn lại, những thợ lặn như ông cũng trở lại với những chuyến lặn sinh tử tìm sản vật dưới đáy sâu.Hai Năng nói lúc đầu những con tàu dưới đáy biển đặc biệt thu hút cánh săn tìm cổ vật, giới khảo cổ trong và ngoài nước, các chủ tàu bè và cả những con người bạt mạng tìm cách tiếp cận khối tài sản mà chưa chắc họ đã biết vì sao chúng được mua với giá cao. Dần dà, những tọa độ được cho là tối mật của những ngư dân may mắn, chẳng còn gì bí mật.
Những cuộc “khai quật” đầy thất vọng
Biển Tây một thời dậy sóng không phải vì những đoàn tàu tấp nập kéo về ngư trường mà vì xác những con tàu dưới đáy sâu |
Trên con tàu trực chỉ ra vùng biển chằng chịt đảo trong quần đảo Phú Quốc, thợ lặn Hai Năng bằng kinh nghiệm “trận mạc” đã vẽ lại những địa điểm có tàu chìm mà ông và những “ma biển” từng lui tới tìm cổ vật. Các con tàu nằm rải rác từ vùng biển Cà Mau, ra Củ Tron, sang tận quần đảo Hải Tặc và đặc biệt quanh quần đảo Phú Quốc. Nhiều con tàu trong số đó đã bị tìm tới. Người ta không quan tâm đến số phận của những con tàu bằng những gì chúng mang theo và cũng chưa ai biết chính xác hiện còn bao nhiêu xác tàu nằm dưới đáy biển trên khắp vùng vịnh Tây Nam. Ngay cả những “ma biển” thạo đường xuống đáy sâu cũng không chắc còn lại những gì trong vùng nước mênh mông từ sau đợt những con tàu bị hôi của đến xơ xác. Tuy vậy, thỉnh thoảng một vài thợ lặn lại tìm đến “thăm” những xác tàu này để tìm cơ hội.
Theo lời Hai Năng, sau khi xác những con tàu cổ đã bị cánh săn tìm cổ vật “cày đi, xới lại”, thì tin tức mới tới tai nhà chức trách và đã có những cuộc trục vớt quy mô được tổ chức, nhưng sự thể đã muộn. Trong số hàng loạt các tàu đắm trên biển Tây, chỉ có con tàu ở “tọa độ X” ngoài khơi vùng biển Cà Mau là có sự can thiệp tương đối kịp thời của chính quyền. Họ thành lập các ban bệ, tổ chức những chuyến trục vớt... Những hiện vật trên con tàu này sau đó được mang đi bán đấu giá tại Hà Lan thu về hàng triệu USD.
Lần cuối cùng vào cuối năm 2007, tỉnh Kiên Giang chấp nhận cho nhóm liên danh tiến hành khảo sát ban đầu hai vị trí tàu cổ đắm gần Hòn Thơm và Hòn Dâm. Từ ngày 16.4.2008, đoàn này tổ chức hàng chục ca lặn, nhưng kết quả thu được “chỉ có” trên 90 hiện vật gồm gốm men ngọc, men nâu, men trắng vẽ lam, men thúy lam, chén, bát, dĩa, lọ, nghiên mực và... các mảnh vụn. Sau lần đó, số phận của những con tàu ấy lại một lần nữa bị chìm vào lãng quên.
Sau nhiều ấp ủ và những trải nghiệm không thành, cuối cùng thì Tiến cũng đã chấm được khá chính xác tọa độ của một vài con tàu đắm quanh quần đảo Phú Quốc. Với ý định kể lại câu chuyện sống động dưới đáy sâu về một vùng biển vốn là con đường huyết mạch thông thương quốc tế từ rất sớm, về số phận bí ẩn của những chuyến hải hành không may, bằng một cách tiếp cận rất đặc trưng của dân lặn, Tiến muốn giới thiệu rằng Phú Quốc không chỉ đẹp trên mặt biển, mà còn có cả thế giới kỳ thú dưới đáy sâu. Trong đó, những con tàu đắm là một câu chuyện thú vị và riêng biệt. Và tôi đã được gật đầu cho tham gia vào cuộc tìm kiếm này - những chuyến đi xuống đáy biển như một thợ lặn thực thụ.