2013-07-16 09:15:00
Hành trình đi tìm tàu đắm bỗng chốc trở nên không đơn giản khi tôi nhận được những lời cảnh báo đừng nên nghe theo cánh thợ lặn mưu sinh liều lĩnh ở biển Phú Quốc. Ở đây, nhãn tiền đã không biết bao nhiêu thợ lặn bỏ mạng vì xuống đáy kiếm sống mà “quên đường về”..
Kỳ 2: Những xác tàu trăm năm
Tôi không nghi ngờ về độ chuyên nghiệp trong các chuyến lặn ở chỗ Tiến. Anh đã thuê hẳn một chuyên gia lặn người Úc tháp tùng trong những chuyến đi. Anh chàng Tim, giới thiệu từng là cựu binh ở chiến trường Iraq, sau thất bại tình trường đã tìm đến Phú Quốc và bám trụ với nghề hướng dẫn lặn cho du khách quốc tế ở đây. Những con người “bèo nước gặp nhau” và gắn bó vì có cùng đam mê thế giới dưới đáy biển. Với họ, Phú Quốc đúng là một thiên đường chưa khám phá hết. Sức hấp dẫn của con tàu nằm yên nhiều thế kỷ dưới đáy biển đã khơi gợi sự hiếu kỳ và thôi thúc người mới đến vào một hành trình lạ lẫm. Một ngày đẹp trời, chúng tôi lại đi đúng con đường của các tay săn tìm kho báu ngày trước.
Tìm đường xuống đáy nước
Tiến lưu ý rằng, một người khỏe mạnh khi bắt đầu lặn cũng không nên xuống sâu quá 6 mét nước. Tôi thoáng thất vọng vì với độ sâu này, cùng lắm cũng chỉ xuống tới cỡ đáy Sông Hậu và còn khuya mới đặt chân đến vị trí con tàu. Bất kể. Những con tàu đắm đã hút tôi vào một cuộc mạo hiểm thật sự.
Nhiều cổ vật đã bị kết dính thành khối
Tàu nhổ neo từ cảng An Thới, hải cảng khá nhộn nhịp nằm ở phía Nam đảo Phú Quốc, hướng về phía mặt trời vừa chui lên từ biển. Để không mất thời gian, Tiến đã cho tàu dông về một tọa độ quen thuộc nằm phía Hòn Dừa. Thông tin ban đầu từ dân thạo biển cho biết, mấy năm trước người ta từng phát hiện nhiều cổ vật có niên đại 500- 700 năm. Dĩ nhiên, một thời đây là điểm nóng của giới săn cổ vật. Bây giờ, nhiều thợ lặn chỉ còn nhắc đến nơi này như một kỷ niệm huy hoàng của đời lùng sục dưới đáy sâu.
Tiến đã tới lui nơi này từ nhiều năm trước, thậm chí đã suýt mất mạng trong lần mon men đến vùng nước bí ẩn. Đó là khoảng thời gian anh còn là thợ lặn tập sự. Trong một lần lặn qua đây, Tiến nhìn thấy cái bình cổ khá đẹp nhô lên giữa đám san hô, bụi biển. Nó “ngoi” lên giữa đống chôn vùi như đang khiêu khích. Đoàn lặn đã thả phao làm dấu để lần sau quay lại lấy. Nhưng khi Tiến quay lại chỗ chiếc bình thì gặp… sự cố, máu miệng của anh bỗng dưng trào ra mặc dù anh chỉ vừa xuống tới độ sâu trên 4 mét nước. Rất may là lần đó anh đã được cấp cứu kịp thời. Người ta nói cổ vật dưới đáy biển đều có “hồn”. Nhiều người tin như thế.
Giữa rừng san hô điêu tàn
Đảo Hòn Dừa có hình dáng của hạt điều mà eo giữa là xóm làng núp sau bãi cát vàng và rặng dừa tuyệt đẹp. Ở mũi đảo dường như không có nhà. Nơi những ngọn đá xếp ngổn ngang là chỗ gần vùng nước có con tàu đắm. Sau một bài học nhanh về các kỹ thuật lặn biển được phổ biến trước lúc xuất hành, tôi được trang bị đồ lặn, bình hơi, chân nhái, kính lặn, đai chì… và ùm xuống biển. Tôi thầm ước mình có thể trở lên ngay khi buông mình lìa tàu và lập tức quên ngay điều đó khi trên đường chìm dần xuống đáy.
Chúng tôi chìm dần theo hướng ngón tay chúi xuống. Trong mường tượng sẽ đối diện với xác con tàu sừng sững với cột buồm dựng đứng và những vật dụng ngổn ngang còn sót lại từ sau dấu vết của một trận thủy chiến. Ý nghĩ ấy dẫn dắt suốt hành trình chìm vào “điểm nóng”. Tai tôi bắt đầu ù ù, nhức buốt. Tôi biết mình đã xuống thật sâu khi đặt chân giữa một rừng san hô điêu tàn.
Đến nơi. Không có xác tàu. Cũng không có những cột buồm dựng đứng. Chúng tôi lọt vào một vùng trũng ngổn ngang mảnh vỡ của sành sứ và các vật lạ khó gọi tên. Đây đích thị là dấu vết của một xác tàu. Hầu hết các vật dụng được biển cả “chiếm hữu” bằng nhiều lớp bám chặt. Nhiều vật dụng người ta khó lòng kéo chúng ra khỏi khối kết của rong tảo, san hô, hào biển...
Chưa tính đến những vật dụng bị chôn vùi, biển cả như không muốn buông bỏ những thứ mà mình đã gìn giữ từ nhiều thế kỷ nay, dù chúng lồ lộ trên mặt đáy biển như trêu ngươi.
Chúng tôi cũng phát hiện những mảnh gỗ dày nằm sâu giữa lớp chôn vùi và thường kết thúc tại một điểm đá to. Bao bọc trong đó là những đống ngổn ngang này đến đống ngổn ngang khác. Những xáo trộn này rõ ràng là dấu vết có sự tham gia của bàn tay con người. Những gì còn lại sau những trận “càn quét” của cánh thợ lặn là các mảnh vỡ mà giá trị còn lại của chúng là sự minh chứng cho hiện tượng tàu đắm đã từng xảy ra. Thông điệp mà chúng để lại từ những tàng tích như thế này là chưa rõ ràng. Ngay cả nguyên nhân vì sao có hàng loạt tàu đắm ở vùng biển này cũng ít được ai nhắc tới, trong số những suy luận như do thời tiết, do va phải đá ngầm và thậm chí những con tàu này bị chìm là do hậu quả của những lần bị cướp bóc...
Mặc dù thế, những gì còn lại cũng đủ vẽ vào mỗi người chứng kiến một câu chuyện, những giả thuyết rất riêng cho số phận của những con tàu. Và chúng vẫn mãi chưa có hồi kết. Những hiện vật tàu đắm dù chỉ còn là phế vật cũng đã làm chúng tôi say sưa thực hiện những bức ảnh mà đinh ninh rằng đó sẽ là “hàng hiếm” khi mang lên đất liền. Nhưng khi trở lại tàu, mọi người đã phải thất vọng bởi phần lớn những bức ảnh chụp bên xác tàu chỉ còn lại một màu trắng xóa. Tiến nói, chuyện lặn xuống điểm tàu này và lên “trắng tay” không chỉ là trường hợp của riêng tôi.