Nhìn từ boong tàu, đảo Phú Quốc như kình ngư hay một con rồng xanh nổi bềnh bồng trên biển. Từ trên cao nhìn xuống, đảo Phú Quốc như một hòn ngọc xanh biếc giữa biển khơi. Khi tàu cập bến, nhiều du khách rất ngạc nhiên, thích thú khi được nhìn ngắm bãi cát trắng mịn thoai thoải và làn nước trong vắt.
Hôm sau là một ngày đẹp trời, cả đoàn du khách lên tàu ra khơi. Chẳng mấy chốc, tàu đã đến bãi Đá Trào nằm ở rìa của hòn Thơm. Xung quanh bãi Đá Trào là những rặng san hô nằm sát bờ nước nông. Tại đây, du khách có thể lặn xuống biển để ngắm san hô, hải quỳ, cùng những loài cá đủ màu sắc.
Rời rặng san hô, tàu di chuyển đến khu vực câu cá. Tại đây, có hai dịch vụ câu cá cho du khách lựa chọn: “câu đậu” (câu cá khi tàu neo đậu một chỗ) và “câu chạy” (câu cá khi tàu chạy). Tham gia tour này, du khách có dịp “chiến đấu” với những chú cá săn mồi loại lớn như cá nhồng, cá thu, cá bớp. Tàu vuợt qua hòn Thơm, tìm đến những vùng nước xa quanh hòn Móng Tay, hòn Rỏi...
Trời sụp tối, đèn được thắp lên quanh mạn tàu, mọi người lại lục tục chuyển qua câu mực. Những chú mực say đèn rượt những chiếc phao đủ sắc màu mang lưỡi câu tua tủa bên dưới, du khách chỉ cần giật mạnh chiếc phao là những chú mực mềm nhũn được kéo lên tàu. Lò than hồng giữa tàu bắt đầu ngát mùi mực nướng…
Quần đảo An Thới ở phía Nam đảo Phú Quốc gồm 15 hòn đảo lớn nhỏ nằm dọc theo hướng Tây Nam, với những tên gọi rất lạ tai như: hòn Dân, hòn Dừa, hòn Rọi, hòn Thơm, Móng Tay, Gầm Ghì, Mây Rút Trong, Mây Rút Ngoài, hòn Đụn, hòn Xưởng… Biển ở đây rất trong và sâu, có nơi sâu gần 30 m, nơi đây rất thích hợp cho các hoạt động du lịch như khám phá thiên nhiên, ngắm cảnh, câu cá, bơi và lặn biển. Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này lắm cá nhiều tôm, nên những chuyến ra khơi của ngư phủ nghiệp dư cũng đầy ắp sản vật của biển, làm cho tour câu cá, lặn biển nơi đây đặc biệt hấp dẫn du khách.
Nếu du khách không có thời gian cho chuyến ra khơi mà muốn nhấm nháp hải sản tươi thì chạng vạng tối có thể tản bộ ra khu chợ đêm Dinh Cậu trên đường Võ Thị Sáu. Nơi đây có đến hàng trăm gian hàng, chủ yếu bán thức ăn hải sản và đồ lưu niệm.
Do đảo Phú Quốc nằm ở vĩ độ thấp, biển bao bọc xung quanh, lại có mật độ che phủ rừng rất cao, nên khí hậu ở đây rất tốt cho sức khỏe.
Phú Quốc còn có nhiều làng nghề nổi tiếng như nhà thùng sản xuất nước mắm ở Thị trấn An Thới, làng chài Hàm Ninh ở Thị trấn Dương Đông...
Điểm đến của nhà đầu tư
Đảo Phú Quốc có diện tích 561,65 km2 (chưa kể cụm đảo Nam An Thới và cụm đảo Thổ Châu), với chiều dài hướng Nam - Bắc là 49 km, nơi rộng nhất 27 km, hẹp nhất 3 km, chu vi bờ biển của đảo 150 km. Địa hình thiên nhiên thoai thoải chạy từ Bắc xuống Nam với 99 ngọn núi đồi, điểm cao nhất tới 603 m (núi Chúa). Các vùng biển nông quanh đảo có độ sâu chưa đến 10 m. Tuy nhiên, cụm đảo nhỏ của cảng An Thới bị ngăn cách hẳn với phần mũi phía Nam của đảo Phú Quốc bởi một eo biển có độ sâu tới hơn 60 m, nên nơi đây được chọn để mở cảng biển. Phú Quốc có hệ sinh thái đa dạng, với rừng nguyên sinh chiếm trên 65% và là một trong 3 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang được UNESCO công nhận.
Phú Quốc cách trung tâm TP. Rạch Giá 115 km, cách vùng phát triển du lịch, công nghiệp Đông Nam Thái Lan khoảng 500 km, cách miền Đông Malaysia khoảng 700 km và cách Singapore khoảng 1.000 km. Phú Quốc còn nằm gần kề cửa ngõ Tây Nam của Campuchia. Do đó, Phú Quốc rất thuận lợi trong việc liên kết giao thương, phát triển du lịch trong vùng Đông Nam Á.
Chỉ với đường bay 500 - 1.200 km, Phú Quốc nối liền và mở rộng giao lưu quốc tế với các trung tâm du lịch lớn như TP.HCM, Phnom Penh (Campuchia), Kuala Lumpur (Malaysia), Jakarta (Indonesia), Phuket, Bangkok (Thái Lan)…
Với vị trí trọng yếu, đắc địa như thế, trong những năm qua, huyện Phú Quốc đã đón tiếp khá nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, trong đó phần lớn là nhà đầu tư nước ngoài, với lĩnh vực được quan tâm nhất là khu nghỉ dưỡng cao cấp và các dịch vụ du lịch khác.
Theo số liệu từ Ban quản lý đầu tư phát triển Phú Quốc, tính đến cuối năm 2010, Phú Quốc có 66 dự án được cấp chứng nhận đầu tư, với vốn đăng ký gần 50.000 tỷ đồng, trong đó có 46 dự án trong các khu chức năng theo quy hoạch; diện tích thuê đất gần 4.000 ha và 20 dự án ngoài khu chức năng. Trong số này, có 8 dự án (vốn đầu tư 888 tỷ đồng, với diện tích 17,2 ha) đã đi vào hoạt động, 8 dự án khác đang xây dựng (diện tích 1.136 ha, vốn đầu tư gần 2.800 tỷ đồng), số còn lại đang lập quy hoạch 1/500 và kiểm kê áp giá đền bù. Ngoài ra, 173 dự án đã có chủ trương đầu tư, với diện tích thuê đất lên đến hơn 7.000 ha, vốn đầu tư dự kiến lên đến hàng tỷ USD.
Với tầm nhìn dài hạn và tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nhằm kích thích huyện đảo này phát triển nhanh hơn, ngày 11/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 633/2010/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030 với định hướng phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giao thương mang tầm cỡ quốc tế, từng bước xây dựng Phú Quốc thành thành phố biển, trung tâm khoa học - công nghệ - du lịch cao cấp của khu vực Đông Nam Á.
Theo quy hoạch, diện tích đất để phát triển du lịch là 5.096 ha, đất xây dựng đô thị 3.852 ha, đất xây dựng dân cư nông thôn 1.636 ha và đất lâm nghiệp là 37.802 ha. Trong đó, vùng phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái 3.051 ha dọc theo bờ biển phía Tây là Gành Dầu, Bãi Thơm, Bãi Dài, Cửa Cạn; phía Bắc là Hòn Thơm, Rạch Tràm, Rạch Vẹm; phía Nam là Bãi Sao, Bãi Khem, quần đảo Nam An Thới. Diện tích còn lại phát triển du lịch hỗn hợp (bố trí tại khu vực Bãi Vòng, Vịnh Đầm), vùng phát triển du lịch phức hợp du lịch, dịch vụ và dân cư (bố trí tại Bãi Trường)... Vùng phát triển đô thị bao gồm: Khu đô thị trung tâm Dương Đông, Khu đô thị An Thới, Khu đô thị Cửa Cạn...
Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kiêm Phó ban Quản lý đầu tư phát triển Phú Quốc cho biết, kể từ khi Phú Quốc được hưởng nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Trung ương theo cơ chế khu kinh tế ven biển, hàng loạt công trình hạ tầng lớn đã được triển khai, như Sân bay Dương Tơ, Cảng An Thới, đường trục chính của đảo, đường vòng quanh đảo…
“200.000 tỷ đồng là nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và huy động từ doanh nghiệp thông qua hình thức đổi đất lấy công trình, xây dựng - chuyển giao (BT) và xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) để phát triển hạ tầng cho huyện đảo này đến năm 2020. Với suất đầu tư lớn như thế, Phú Quốc sẽ sớm khoác lên mình một diện mạo mới”, ông Sáu kỳ vọng.
baodautu.vn