Tình hình BĐS Đảo Ngọc Phú Quốc
Chia sẻ nội dung này trên: 
Xây dựng sân bay quốc tế Phú Quốc: Tại sao không cho nước ngoài đầu tư?
2011-09-20 03:36:21
Thấy trước tiềm năng du lịch to lớn của Phú Quốc nên hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến đây để tìm cơ hội đầu tư. Điều này càng được minh chứng tại hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư vào đảo Phú Quốc được UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức ngày 9-5 tại khách sạn New World..

Ban tổ chức mời 450 đại biểu nhưng có đến 600 người dự. Hội trường 500 ghế không còn một chỗ trống. Một điều đáng chú ý là hội nghị có mặt đại diện của 13 tập đoàn kinh tế nước ngoài.

Một trong những vấn đề nóng bỏng mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là dự án xây dựng sân bay quốc tế Phú Quốc. Thông tin làm nhiều nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ khi chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Bùi Ngọc Sương, thông báo: “Các dự án sân bay quốc tế và cảng biển ở Phú Quốc, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định để cho chủ đầu tư trong nước thực hiện.

 
http://www.sac.vn/userfile/upload/images/SAC/1244598994_sanbaypq.jpg


Cục Hàng không dân dụng sẽ đầu tư xây dựng sân bay, còn cảng biển sẽ do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư”. Thông tin này làm bức xúc nhiều nhà đầu tư. Theo ông Lê Minh Hoàng, giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, hiện nay có đến bốn tập đoàn kinh tế của Anh, Mỹ, Đức và liên doanh Nhật - Singapore rất quan tâm đến dự án xây dựng sân bay quốc tế Phú Quốc.
 
 
 
Tập đoàn “mặn mà” nhất với dự án sân bay Phú Quốc có thể kể đến là tập đoàn Starbay của Anh. Ông Martin H. Kaye, giám đốc điều hành của Tập đoàn Starbay tại Hong Kong, không giấu được nỗi thất vọng của mình. Ông Martin nói: “Suốt hai năm qua chúng tôi đã mất hơn 1 triệu đôla nghiên cứu, khảo sát để có được một thiết kế hoàn hảo như hôm nay. Mô hình này đã được UBND tỉnh Kiên Giang chọn in trong tờ rơi để giới thiệu. Chúng tôi đã thuê năm chuyên gia từ Anh, Hong Kong và Úc sang VN làm việc suốt ba tháng trời chỉ để khảo sát địa chất, địa tầng, khí hậu...

Chúng tôi cũng đã mất nhiều thời gian để làm việc với các bộ ngành và nghiên cứu dự báo lượng khách trong tương lai tăng như thế nào. Trong những lần hội nghị, hội thảo trước đây và trong nhiều văn bản khác nhau bàn về chiến lược phát triển giao thông các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ VN kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài xây dựng sân bay, bến cảng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) nhưng nay thì không cho. Với một thiết kế hoàn hảo như hiện nay tôi cứ nghĩ là sẽ “đánh bại” những đối thủ khác nhưng không ngờ thông tin của ông Sương làm chúng tôi thất vọng quá!”.

Ông Nguyễn Ngọc Điển, tổng giám đốc Công ty PATA (Pacific Asia Travel Association) Hoa Kỳ, bức xúc nói: “Tôi thấy ngoài sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đang xây dựng mở rộng thì VN không có sân bay nào đạt chuẩn quốc tế, vậy tại sao Chính phủ lại tiếp tục giao cho Cục Hàng không dân dụng VN đảm nhiệm”.

Nhu cầu của du khách đến Phú Quốc là rất lớn, không một nhà đầu tư nào không thấy điều đó. Tuy nhiên có một nghịch lý về đầu tư ở Phú Quốc là các nhà đầu tư không dựa vào qui luật “cung - cầu” để quyết định qui mô đầu tư. Theo các nhà đầu tư, vấn đề quyết định qui mô và thời điểm đầu tư không phải là nhu cầu của du khách mà là năng lực vận tải của sân bay Phú Quốc. Các nhà đầu tư dẫn chứng tình trạng hàng loạt tour ra Phú Quốc của nhiều công ty du lịch phải hủy vì không mua được vé máy bay trong dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua.

Ông Martin cho rằng: “Khi kinh tế phát triển thì số người đi lại tăng lên và số chuyến bay cũng phải tăng theo. Nếu các chuyến bay không tăng thì làm sao phát triển kinh tế, du lịch được. Không một nhà đầu tư nào mạo hiểm xây khách sạn năm sao rồi nằm chờ sân bay Phú Quốc xây xong mới đón khách.

Phát triển giao thông vận tải là chìa khóa để đẩy nhanh sự phát triển của Phú Quốc. Vì vậy các dự án sân bay, cảng biển ở đây Chính phủ VN nên đấu thầu quốc tế để chọn ra nhà đầu tư có năng lực. Có như vậy thì cơ sở hạ tầng của Phú Quốc mới nhanh chóng được cải thiện để lôi kéo nhiều nhà đầu tư vào đây”.

Theo Tuổi Trẻ
Quay lại