Tình hình BĐS Đảo Ngọc Phú Quốc
Chia sẻ nội dung này trên: 
Xây dựng thương hiệu du lịch biển Phú Quốc
2011-09-20 03:16:29
Trước đây, đảo Phú Quốc Kiên Giang thường được biết đến với thương hiệu nước mắm, hồ tiêu nổi tiếng, nhưng mười năm trở lại đây, Phú Quốc còn nổi tiếng về du lịch biển. .

Sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học rừng-biển, Phú Quốc đang định hướng trở thành một thành phố du lịch sinh thái biển, đảo, một trung tâm thương mại, giao thương quốc tế quan trọng ở vùng biển tây nam của Tổ quốc.

Nhìn lại chặng đường vừa qua, có thể thấy, nếu cách đây mười năm, Phú Quốc chỉ có năm khách sạn và nhà trọ, với gần 100 lao động du lịch, phần lớn là lao động phổ thông, công suất phòng chỉ đạt khoảng 20% và chủ yếu kinh doanh vào mùa khô, đón và phục vụ 21.000 lượt khách, tổng doanh thu đạt 4,5 tỷ đồng, thì hiện nay trên đảo đã có tới 97 doanh nghiệp du lịch, gồm 22 đơn vị lữ hành và 75 nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà trọ, bao gồm một khu nghỉ dưỡng bốn sao là Sài Gòn-Phú Quốc, bốn khách sạn một đến hai sao và ba khách sạn tương đương ba sao. Tổng số lao động du lịch hiện có 1.430 người, trong đó có hơn 100 người trình độ đại học, 83 người tốt nghiệp trung cấp, gần 70% số lao động cấp quản lý được mời từ đất liền. Trong năm 2008 và riêng sáu tháng đầu năm 2009, công suất phòng khách sạn toàn đảo đã đạt 70% trên 1.500 phòng (tăng 10 lần số lượng buồng, phòng). Riêng Khu du lịch nghỉ dưỡng Sài Gòn- Phú Quốc với 100 phòng, có công suất sử dụng hơn 90% trong quý một và 75% trong quý hai năm 2009. Năm 2008, Phú Quốc đã tiếp đón 180.000 lượt khách (tăng chín lần so với năm 2000), trong đó khách quốc tế chiếm 30%; doanh thu đạt 240 tỷ đồng (tăng 53 lần so với năm 2000). Hiện tại, mỗi ngày có 14 chuyến bay hàng không đến và đi cùng sáu chuyến tàu cao tốc đưa đón khách ra đảo. Du lịch đã tạo hiệu ứng phát triển thương mại, dịch vụ cùng hàng trăm việc làm cho người lao động với nhiều ngành nghề mới ra đời. Bên cạnh đó, đã có gần 200 dự án đầu tư du lịch tại Phú Quốc đã được chấp thuận, với tổng số vốn đăng ký là 10 tỷ USD, trong đó có việc xây dựng sân bay quốc tế Phú Quốc và cảng tàu du lịch, v.v. Những số liệu nêu trên cho thấy rõ tác động của du lịch, cơ cấu kinh tế - văn hóa - xã hội Phú Quốc đã thay đổi và có sự tăng trưởng vượt bậc.
 
 
http://www.nhandan.com.vn/nhandan/Vietnamese/doisong/dulich/070809/Image/i70_091350.jpg

Khu du lịch Sài Gòn-Phú Quốc
trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Quá trình xây dựng hướng tới một thương hiệu du lịch biển, đảo nổi tiếng, có sự nỗ lực phấn đấu và đóng góp không nhỏ của khu du lịch Sài Gòn- Phú Quốc ngay từ những ngày đầu sơ khai. Tháng 4-2000, khu du lịch nghỉ dưỡng Sài Gòn - Phú Quốc ra đời với 35 phòng, 40 nhân viên người địa phương. Ðến cuối năm 2001, Sài Gòn - Phú Quốc được Tổng cục Du lịch Việt Nam xếp hạng Khu nghỉ dưỡng ba sao, năm 2005 được xếp hạng bốn sao. Và sau hàng loạt đầu tư nâng cấp trong năm 2009, đến năm 2010 tới sẽ xin nâng hạng 5 sao, đồng thời hợp tác triển khai hai dự án mới tại phía bắc và nam đảo Phú Quốc. Sự năng động trong kinh doanh, đầu tư, mở rộng thị trường, không ngừng quảng bá, xúc tiến và phát triển mạnh mẽ của Công ty khu du lịch Sài Gòn- Phú Quốc là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của hoạt động du lịch trên toàn đảo. Ðiều này có thể thấy qua vai trò đầu tư tiên phong, thí điểm về khai thác du lịch sinh thái bền vững của du lịch Sài Gòn- Phú Quốc, trong việc vận động người dân hoặc các nhà đầu tư từ các nơi đến và làm theo mô hình hoạt động của mình. Từ du lịch mua sắm, giải trí, thư giãn đến du lịch thể thao lên rừng xuống biển, mua sắm xe du lịch, du thuyền câu cá thẻ mực và bơi lặn bằng bình hơi, tạo nguồn khách, thỏa thuận tăng chuyến bay với hàng không và đầu tư tăng chuyến tàu cao tốc ra đảo.

Từ năm 2000 đến nay, Sài Gòn- Phú Quốc vẫn tích cực thực hiện tiếp thị điểm đến du lịch Phú Quốc nói chung với phần lớn chi phí lên tới hai tỷ đồng/năm. Công ty đã tiến hành in tên đảo du lịch Phú Quốc lên các cuốn sách Guide Book và chương trình du lịch của các hãng lữ hành của nước ngoài, lập năm trang thông tin điện tử về du lịch Phú Quốc và đầu tư mạnh vào công đoạn truy cập để các trang này luôn luôn ở hàng đầu của tốp 10 tại các trang dò tìm tên miền trên in-tơ-nét. Từ đó, hình ảnh du lịch Phú Quốc được lan truyền rộng trên khắp các thị trường du lịch thế giới. Công ty đã dành một phần không nhỏ lợi nhuận từ kinh doanh để quảng bá, xúc tiến cho du lịch điểm đến Phú Quốc qua việc thường xuyên thuê các gian hàng hội chợ du lịch thế giới ở: Ðức, Pháp, Nhật Bản, Nga, Ô-xtrây-li-a. Là thành viên CLB Du lịch Hội nghị Việt Nam (VN MICE Club), Sài Gòn - Phú Quốc cùng Vietnam Airlines và 14 hãng lữ hành, khách sạn, khu nghỉ dưỡng hàng đầu tại Việt Nam đã mở nhiều chiến dịch quảng bá du lịch tại các nước và vùng lãnh thổ ở châu Âu và châu Á.

Nhờ hạ tầng thông tin thông suốt, nên khi dịch SARS bùng nổ, chương trình "Say đắm với thiên nhiên hoang sơ" đã giúp Sài Gòn-Phú Quốc đạt công suất phòng 85% và góp sức cho toàn đảo đạt 50% công suất sử dụng buồng phòng năm 2003. Tiếp tục hướng khắc phục này, chương trình "Say đắm nơi thiên đường rực nắng" lại đang giúp Sài Gòn - Phú Quốc nói riêng và điểm đến Phú Quốc nói chung, tỏa sáng trong thời khủng hoảng hiện nay với công suất phòng 84% trong năm 2008 và 82% trong sáu tháng đầu năm 2009, đồng thời góp sức đưa công suất sử dụng phòng khách sạn trên toàn đảo Phú Quốc đạt tỷ lệ tương ứng là 65% và 70%. Ðối với thị trường nội địa, khu du lịch nghĩ dưỡng Sài Gòn - Phú Quốc đã ký kết với 400 hãng lữ hành trong nước, tham gia các hội chợ du lịch và mở văn phòng đại diện tại các thành phố lớn. Ðồng thời áp dụng chiến lược thị trường "đa phân khúc": Bắt đầu từ giới buôn bán nhỏ, nhóm khách có thu nhập trung bình nhưng đông đảo, chuyển đổi dần sang tầng lớp trung lưu có thu nhập cao hơn; thu hút các tour du lịch hội nghị, khen thưởng, đào tạo, triễn lãm bán hàng ở quy mô cấp tỉnh, thành và khu vực. Với chiến lược này, lượng khách du lịch, nhất là khách trong nước đến với Phú Quốc đã có sự tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, do điểm xuất phát rất thấp nên hiệu quả thật sự trong hoạt động kinh doanh du lịch ở

Phú Quốc vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Khu du lịch Sài Gòn - Phú Quốc hiện đang cùng cộng đồng các doanh nghiệp du lịch, nhân dân và chính quyền trên đảo phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong "Ðề án phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020" và trong bản. "Ðiều chỉnh quy hoạch chung đảo Phú Quốc đến năm 2030 và tầm nhìn sau 2030". Cam kết thúc đẩy Phú Quốc chuyển đổi nhanh theo mô hình kinh tế du lịch - thương mại - dịch vụ, kết hợp nông - ngư nghiệp để nâng cao lợi thế cạnh tranh so với những đảo du lịch nổi tiếng khác của các nước trong khu vực.

 
Theo báo ND - Phùng Xuân Mai
Quay lại